Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Tỉnh lỵ của Bình Định là thành phố cảng Quy Nhơn nằm cách thủ đô Hà Nội 1.070 km về phía Nam, cách thành phố Đà Nẵng 233 km về phía Nam và cách Thành phố Hồ Chí Minh 652 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A.

Diện tích tự nhiên của Bình Định là 6.022,6  km², dân số 1.486.918 người. Vị trí tiếp giáp:

  • Phía Bắc : Giáp tỉnh Quảng Ngãi
  • Phía Nam : Giáp tỉnh Phú Yên
  • Phía Tây : Giáp tỉnh Gia Lai
  • Phía Đông : Giáp Biển Đông

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tỉnh Bình Định có 11 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm: 1 thành phố (Quy Nhơn), 2 thị xã (An Nhơn, Hoài Nhơn) và 8 huyện (An Lão – Hoài Ân  – Phù Cát- Phù Mỹ – Tây Sơn – Tuy Phước – Vân Canh – Vĩnh Thạnh); 32 phường, 10 thị trấn và 117 xã.

image

Bản đồ hành chính tỉnh Bình Định 2021

QUY HOẠCH ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn

image 1

Bản đồ quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn tỉnh Bình Định

Định hướng phát triển đô thị tỉnh Bình Định:

– Đến năm 2025, tỉnh Bình Định có 17 đô thị bao gồm: 01 đô thị loại I (Thành phố Quy Nhơn); 01 đô thị loại III (Thành phố An Nhơn); 02 đô thị loại IV (Hoài Nhơn, Tây Sơn); 10 đô thị loại V hiện hữu (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh); 03 đô thị loại V hình thành mới (Cát Tiến, huyện Phù Cát; Phước Hòa, huyện Tuy Phước; An Hòa, huyện An Lão).

– Đến năm 2035, tỉnh Bình Định có 22 đô thị bao gồm: 01 đô thị loại I (Thành phố Quy Nhơn); 02 đô thị loại III (Thành phố An Nhơn, đô thị Hoài Nhơn); 02 đô thị loại IV (Tây Sơn, Cát Tiến);10 đô thị loại V hiện hữu (Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Tuy Phước, Diêu Trì, Bình Dương, Ngô Mây, Mỹ Chánh); 07 đô thị loại V hình thành mới (Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ; Cát Khánh, huyện Phù Cát; Phước Lộc, huyện Tuy Phước; Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân; Canh Vinh, huyện Vân Canh; Phước Hòa, huyện Tuy Phước; An Hòa, huyện An Lão).

Định hướng phát triển nông thôn tỉnh Bình Định

Phân bố các điểm dân cư nông thôn tỉnh Bình Định dựa trên lịch sử định cư truyền thống, các định hướng tổ chức sản xuất nông, lâm, thủy sản và phát triển không gian đô thị hoá các tiểu vùng phát triển.

Tăng cường các công trình hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất, an sinh xã hội phục vụ điểm định cư nông thôn khu vực đồng bằng ven biển, trung du và miền núi của tỉnh. Nghiên cứu xây dựng các điểm định cư nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu. Kết nối nông thôn với hệ thống đô thị và mạng lưới hạ tầng toàn tỉnh.

Phát triển các trung tâm xã, trung tâm cụm xã trở thành các trung tâm dịch vụ mới gắn với vùng sản xuất nông lâm ngư nghiệp, khu công nghiệp vừa và nhỏ, khu tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phù hợp với tập quán sinh hoạt và đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Quy hoạch giao thông

image 2

Quy hoạch giao thông tỉnh Bình Định – Sơ đồ vị trí và mối liên kết vùng

  • Đường bộ

+ Tuyến cao tốc Bắc – Nam, tuyến Quy Nhơn – Pleiku, đường tuần tra ven biển (thực hiện theo quy hoạch, dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt).

+ Các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ:

Kết nối các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong vùng tạo thành mạng lưới liên hoàn và đấu nối với hệ thống đường cao tốc quốc gia góp phần nâng cao năng lực vận tải của mạng lưới đường bộ.

Nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ 1, quốc lộ 1D, quốc lộ 19, quốc lộ 19B, quốc lộ 19C đạt cấp tiêu chuẩn đường cấp I, II, III, quy mô 4 – 6 làn xe.

Nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện đạt tiêu chuẩn đường cấp V – cấp III tùy theo yêu cầu từng đoạn. Xây dựng mới các đường tỉnh: đường Phú Phong – Bồng Sơn; đường Phú Phong – Vĩnh Thạnh; đường An Lão – Bồng Sơn; đường Phù Mỹ – Vĩnh Thạnh; đường Hoài Ân – Vĩnh Thạnh; đường Hoài Nhơn – Gia Lai; đường Tây Sơn – Vĩnh Thạnh – An Lão.

  • Đường sắt

Nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có; nâng cấp ga Diêu Trì thành ga tổng hợp Quy Nhơn; xây mới 02 ga logistics tại Phước Lộc và Canh Vinh. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn qua Bình Định.

  • Đường hàng không

Nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Phù Cát theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030.

  • Đường thủy

Cảng: Thực hiện theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030. Xây dựng mới cảng Nhơn Hội là cảng chuyên dùng, phục vụ trực tiếp cơ sở công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn. Nâng cấp bến Tam Quan (đô thị Hoài Nhơn), Đề Gi (huyện Phù Cát) phục vụ hậu cần dịch vụ nghề cá và neo đậu tàu thuyền.

Đường thủy nội địa: Nâng cấp, cải tạo các luồng tuyến đường thủy chính đạt cấp kỹ thuật theo quy định như tuyến Đề Gi – Tam Quan, tuyến Đề Gi – Quy Nhơn, tuyến Tam Quan – Quy Nhơn…

Định hướng phát triển không gian

Khoanh vùng khu vực có nguy cơ thiên tai để kiểm soát không cho mở rộng đô thị hay phát triển mới các điểm định cư, nhất là khu vực đồng bằng huyện Tuy Phước, xung quanh đầm Thị Nại, dọc hạ lưu sông Lại Giang, sông Côn, sông Hà Thanh. Khuyến khích phát triển đô thị bền vững về môi trường như: mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sử dụng năng lượng tái tạo trong thiết kế nhà ở, công trình công cộng và hạ tầng đô thị.

Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng lân cận

image 3

Sơ đồ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Quy Nhơn và vùng lân cận tỉnh Bình Định